Hải quan đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19

Lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương và các phòng ban tham mưu thực hiện tham vấn trực tuyến gỡ vướng về thủ tục hải quan cho Công ty TNHH Medochemie (Viễn Đông). 	Ảnh: Phi Vũ
Lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương và các phòng ban tham mưu thực hiện tham vấn trực tuyến gỡ vướng về thủ tục hải quan cho Công ty TNHH Medochemie (Viễn Đông). Ảnh: Phi Vũ

Nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho DN

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho các DN, cá nhân trong thực hiện thủ tục hải quan. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị và phương pháp quản lý hải quan hiện đại trong giải quyết thủ tục hành chính; đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa XNK, góp phần đẩy lùi và hạn chế tối đa khả năng lây lan của dịch bệnh.

Tổng cục Hải quan đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động XNK, đặc biệt đối với các khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc cách ly theo quy định phòng chống dịch. Cơ quan Hải quan triển khai đa dạng các hình thức hỗ trợ DN.

Đó là, bố trí các bàn tiếp nhận hồ sơ của DN cách biệt với khu vực làm việc của cán bộ, công chức, đồng thời bố trí công chức hướng dẫn, tiếp nhận các chứng từ bản chính của DN, theo dõi, lập phiếu tiếp nhận hồ sơ nhằm quản lý chứng từ bản chính của DN nộp, xuất trình, không để xảy ra tình trạng thất lạc hồ sơ.

Tại khu vực tiếp nhận hồ sơ, cơ quan Hải quan bố trí màn hình để DN tra cứu công chức tiếp nhận; đồng thời triển khai số điện thoại để trả lời DN về thông tin, số điện thoại liên lạc của công chức tiếp nhận hồ sơ để DN thuận tiện trao đổi thông tin khi cần thiết.

Công chức kiểm hóa thông quan, thanh khoản hồ sơ ngay tại hiện trường, hạn chế di chuyển từ địa điểm kiểm tra thực tế về chi cục, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Ngoài ra, tăng cường công chức Hải quan hỗ trợ, hướng dẫn DN thực hiện thủ tục hải quan; tiếp nhận thông tin phản ánh lỗi tờ khai chưa đủ điều kiện qua khu vực giám sát do DN cảng cung cấp để xác định nguyên nhân hướng dẫn kịp thời.

Cơ quan Hải quan cũng bố trí phòng làm việc riêng (có trang bị đầy đủ các điều kiện phòng dịch) để cán bộ, công chức làm việc với DN khi cần thiết; chuẩn bị mặt bằng làm việc, sẵn sàng kết nối hệ thống để triển khai ngay phương án dự phòng, chia tách khu vực làm việc của đội thủ tục hàng hóa XNK, đảm bảo giãn cách khi có chỉ đạo của cấp trên. Cùng với đó, chi cục hải quan phối hợp, làm việc trực tiếp với các DN kinh doanh cảng để phối hợp soi chiếu, theo dõi, cập nhật kịp thời các container đã/chưa soi chiếu, đôn đốc, cũng như cập nhật kết quả soi chiếu nhằm đảm bảo thời gian thông quan hàng hóa cho DN theo quy định.

Doanh nghiệp ghi nhận

Để tiếp tục lắng nghe, chia sẻ khó khăn cùng các DN, mới đây, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19. Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong nước đã ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của lực lượng Hải quan các cấp đã luôn đồng hành, hỗ trợ, cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt khó trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Ủy viên Ban Chấp hành kiêm Trưởng Ban Hải quan và tạo thuận lợi hóa thương mại Hiệp hội DN logistics Việt Nam, ông Trần Việt Huy cho biết, đây là dịp để các DN cập nhật những kiến thức, chính sách mới về thuế XNK, các hoạt động hỗ trợ từ phía cơ quan Hải quan, nhất là trong thời điểm DN gặp khó do dịch Covid-19. Thông qua hội nghị thể hiện rõ chính sách đồng hành cùng DN của Tổng cục Hải quan, tạo ra kênh để cơ quan Hải quan thu thập, nắm bắt tình hình hoạt động của DN qua thực hiện các chính sách để hỗ trợ DN trong hoạt động XNK.

Ông Trần Việt Huy nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 bùng phát rộng khắp các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… gây thiệt hại lớn cho các DN. Hiệp hội ghi nhận những nỗ lực của Tổng cục Hải quan đã có những điều chỉnh hợp lý, thành lập tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ các DN, đặc biệt là chủ trì xây dựng Thông tư hỗ trợ DN để giảm thiểu những thiệt hại do Covid-19 gây ra. Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh thường xuyên trao đổi, nắm bắt yêu cầu hỗ trợ từ phía hiệp hội để kịp thời hướng dẫn, đào tạo.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Dệt may Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm đánh giá cao những cố gắng của Tổng cục Hải quan, cũng như các cục hải quan tỉnh, thành phố đã luôn lắng nghe ý kiến của hiệp hội, cũng như của các DN để tiếp thu, thay đổi những cơ chế chính sách còn chưa phù hợp. Nhiều ý kiến của Hiệp hội đã được cơ quan Hải quan tiếp thu, sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho DN.

Ông Trương Văn Cẩm chia sẻ, “sức khỏe” của các DN rất mong manh, đặc biệt là các DN tại các tỉnh phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…, nơi có khoảng 1,2 triệu lao động dệt may, chiếm khoảng 65% tổng số lao động toàn ngành Dệt may. Nhiều DN phải tạm ngừng sản xuất, thực hiện “3 tại chỗ”, “một cung đường, 2 điểm đến”… và các DN này cũng bỏ ra chi phí rất lớn để duy trì sản xuất (thực hiện xét nghiệm Covid-19).

Ông Trương Văn Cẩm dẫn chứng: Một DN có khoảng 25.000 lao động, hoạt động cầm chừng nhưng phải bỏ ra khoảng 600 tỷ đồng để trả lương cho người lao động/3 tháng, chưa kể các chi phí để duy trì sản xuất do thực hiện “3 tại chỗ”, “một cung đường, 2 điểm đến”.

Ông Trương Văn Cẩm cho biết thêm, kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may đã xuất khẩu 29 tỷ USD, xấp xỉ so với năm 2019. Dự kiến, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 38 tỷ USD, chiếm khoảng 14-15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, cao hơn 3 tỷ USD so với năm 2020. Tới đây, ngành dệt may cũng mong muốn tự sản xuất được nguyên phụ liệu trong nước để đáp ứng nhu cầu về xuất xứ, cũng như để được hưởng những ưu đãi thuế quan mà các các Hiệp định FTA mang lại, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Bằng những giải pháp cụ thể của cơ quan Hải quan trong công tác hỗ trợ, đồng hành cùng DN một lần nữa khẳng định cam kết với cộng đồng DN, góp phần phát triển quan hệ đối tác Hải quan-DN. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực Tổng cục Hải quan, các hiệp hội doanh nghiệp cũng mong muốn các bộ, ngành cùng chung tay khơi thông những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, chuỗi cung ứng... để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Quang Hùng

Bài viết cùng chuyên mục

Xuất nhập khẩu khởi sắc tháng đầu năm, đạt hơn 60 tỷ USD

Hoạt động xuất nhập khẩu có tháng khởi đầu năm mới 2022 khá ấn tượng với quy mô kim ngạch đạt hơn 60 tỷ USD, trong đó nước ta xuất siêu gần 1,4 tỷ USD.

Hải quan tích cực triển khai chính sách miễn thuế cho doanh nghiệp

Thời gian qua cơ quan Hải quan đã tích cực tham mưu, đề xuất, xây dựng trình Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành nhiều giải pháp để ứng phó với đại dịch Covid -19. Trong đó, hàng loạt cơ chế, chính sách liên quan đến miễn thuế nhập khẩu

Xây dựng ngành Hải quan “Trong sạch, Vững mạnh, Chuyên nghiệp, Hiện đại, Minh bạch, Năng lực, Hiệu quả”

Ngày 28/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Tổng cục Hải quan. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai ...

Hải quan chuẩn bị công nghệ đáp ứng cải cách kiểm tra chuyên ngành

Cùng với việc xây dựng chính sách cải cách kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cũng xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo việc vận hành khi Nghị định ban hành và có hiệu lực.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá cao kết quả công tác 6 tháng đầu năm của ngành Hải quan

Sáng 28/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Tổng cục Hải quan.

Hải quan Bắc Ninh không để hoạt động ngưng trệ do Covid-19

Ngày 16/5, trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh Trần Thành Tô xác nhận có 1 trường hợp công chức tại Chi cục Hải quan Bắc Ninh dương tính với SARS-CoV-2 đã được cơ quan y tế đưa đi điều trị .